Tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào ngày 11/7 vừa qua, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tích cực đóng góp ý kiến. Các ý kiến này làm sáng tỏ tầm quan trọng và tác động của việc sửa đổi luật thuế TTĐB, đặc biệt nhấn mạnh đến việc mở rộng phạm vi thu thuế hoặc tăng thuế suất để thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng trong xã hội.
Những quy định về thuế TTĐB thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại hội thảo
Nâng cao quy định về chính sách thuế TTĐB
Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi tập trung vào nhiều khía cạnh quan trọng như: đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế và thời điểm xác định thuế TTĐB. Điểm nổi bật trong dự thảo này là việc xác định 11 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ sẽ chịu thuế TTĐB. Đặc biệt, dự thảo bổ sung thêm nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào danh sách đối tượng chịu thuế TTĐB. Điều này nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, cũng như đáp ứng các khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ sức khỏe và Bộ Y tế.
Dự thảo mới về thuế TTĐB đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% đối với thuốc lá, đồng thời bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hai phương án lộ trình. Mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023 – 2025 và tiếp tục giảm xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030, hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO là 75%.
Đối với bia và rượu, dự thảo quy định mức thuế suất theo tỷ lệ % tăng dần theo từng năm từ 2026 đến 2030, nhằm mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO. Đối với nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml, dự thảo đề xuất mức thuế 10%, đây là mặt hàng mới được bổ sung vào danh sách đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tại Hội thảo, một số ý kiến đề nghị không nên đánh thuế đồ uống có đường vì chưa có đủ bằng chứng để khẳng định đây là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì. Tuy nhiên, bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhấn mạnh rằng mặc dù béo phì do nhiều yếu tố gây ra, và đồ uống có đường cũng là một trong những tác nhân quan trọng. Việc đánh thuế đồ uống có đường chắc chắn sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng. Các doanh nghiệp chỉ cần thay đổi công nghệ, giảm lượng đường trong sản phẩm là có thể tránh nộp thuế. Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền nhiều giải pháp để thay đổi hành vi tiêu dùng, nhưng việc đánh thuế để tăng giá bán sản phẩm vẫn là biện pháp cần thiết.
Hội thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi)
Thách thức về việc bổ sung và tăng thuế TTĐB
PGS. TS Vũ Sỹ Cường từ Học viện Tài chính nhận định rằng, so với các nước, mức thuế ở Việt Nam hiện nay không phải là cao. Trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), thuế TTĐB có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đóng góp từ 6,5 – 7%. Ông cũng nhấn mạnh, chính sách thuế cần được phân tích toàn diện, xem xét tác động đến thị trường, kinh tế, doanh nghiệp, lao động, và bối cảnh áp dụng. Ngoài mục tiêu tăng thu NSNN, điều chỉnh thuế TTĐB còn nhằm tạo nguồn lực để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, ông Cường ủng hộ tăng thuế TTĐB cho một số loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là thuốc lá để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, nhất là ở nhóm người nghèo. Về phương pháp tính thuế, hiện nay, dự thảo mới áp dụng phương pháp hỗn hợp với thuốc lá, ông đề xuất cơ quan soạn thảo cần mở rộng áp dụng phương pháp này và quy định khung hoặc trần cho thuế tuyệt đối.
Theo dự thảo Luật, lộ trình thuế với rượu, bia có hai phương án. Phương án 1 đề xuất tăng giá bán năm 2026 khoảng 10% so với năm 2025, và tăng 2-3% mỗi năm tiếp theo để tương ứng với lạm phát và thu nhập tăng. Phương án 2 đề xuất tăng giá bán năm 2026 khoảng 20% so với năm 2025, sau đó tăng 2-3% mỗi năm.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam, chia sẻ rằng ngành đồ uống đã chịu nhiều tác động lớn từ năm 2020, dẫn đến sụt giảm sản lượng, doanh thu, và lợi nhuận. Hiệp hội mong muốn cơ quan soạn thảo tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan. Bên cạnh tăng thuế, cần thực hiện các biện pháp chống hàng lậu, hàng giả, và hàng kém chất lượng để bảo vệ doanh nghiệp hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng.
Hiệp hội cũng đề nghị xem xét thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) từ năm 2027. Đối với rượu, bia, Hiệp hội đề xuất giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để ổn định thị trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích nghi.